VIDEO CLIPS
Video
Giải chạy Cộng đồng Doanh nhân VEC mở rộng 2023
Trưng bày & lái thử Mitsubishi tại TP Vinh Nghệ An
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline - 0987.450.727

Văn phòng - 0987.450.727
Hôm nay: 236 | Tất cả: 252,879
ALBUM ẢNH CÔNG TY
LIÊN KẾT FACEBOOK
 
DỊCH VỤ > TỔ CHỨC ĐÁM CƯỚI HỎI
Tổ chức setup tiệc đám cưới tại TP Vinh Nghệ An
Tin đăng ngày: 15/12/2019 - Xem: 2818
 

Mọi người vẫn bảo ngày cưới là ngày đại hỉ, ngày hạnh phúc nhất của cô dâu chú rể và gia đình hai bên. Thế nhưng ai trải qua rồi thì mới hiểu cái sự “bầm dập” của hai nhân vật chính như thế nào để có được bữa tiệc vui đó. Hà nghĩ có chị còn thở phào “May quá ngày ấy cũng đã qua rồi. Bây giờ mà cưới nữa… chắc chit.” Hà cũng đã trong hoàn cảnh đó.

Thật ra bây giờ nhìn lại Hà thấy chuẩn bị đám cưới cũng không phải là quá khó khăn. Hà ghi lại những kinh nghiệm có được mong giúp được chị em có được ngày vui diễn ra thật suôn sẻ mà lại không phải tốn quá nhiều công sức.

Quan trọng hơn, hãy biến giai đoạn này thành cuộc hành trình đầy niềm vui trên con đường đi đến hạnh phúc. Bởi vì chẳng mấy ai có “cơ hội” để trải nghiệm một lần nữa đâu phải không ạ? Bài viết này Hà tập trung chủ yếu về phần Tự tổ chức đám cưới. Ở cuối bài Hà sẽ nói một chút về tổ chức đám cưới thông qua dịch vụ Wedding Planer.

Tổ chức setup tiệc đám cưới tại TP Vinh Nghệ An

Tổ chức setup tiệc đám cưới tại TP Vinh Nghệ An

A. TỰ TỔ CHỨC ĐÁM CƯỚI

Các chị đừng lo, “Tự tổ chức” không phải là Cô dâu và Chú rể tự mình làm mọi việc từ A đến Z. “Tự tổ chức” chỉ đơn giản là CD-CRtự tìm hiểu, lên kế hoạch và lựa chọn dịch vụ cho đám cưới của mình (như chọn nhà hàng, món ăn, chụp ảnh cưới, trang trí nhà cửa khi cưới v.v.), thay vì phải nhờ một người trung gian làm giúp (như Wedding planer chẳng hạn).

Dưới đây là mẫu kế hoạch mà Hà lập ra để thực hiện, các chị có thể tham khảo:

1. Nhà trai gặp gỡ nhà gái để định ngày cưới.

2. CD-CR lên ngân sách chi phí cưới để có sự chuẩn bị về tài chính. Bước này có thể thực hiện từ thật sớm, vì đôi khi phải có “đủ vốn liếng” rồi mới có thể báo cho hai gia đình biết.

3. Lên danh sách khách mời (sơ lược) để dự trù số bàn đặt nhà hàng, bao gồm khách của song thân và của CD-CR.

4. Đặt nhà hàng (tốt nhất là 6 tháng trước ngày cưới).

5. Tìm hiểu các studio chụp ảnh cưới

6. CD-CR đi chụp ảnh cưới (tốt nhất 2-3 tháng trước ngày cưới)

Bước 5 và 6 các chị xem bài “Chụp hình cưới và chuẩn bị trang phục cưới“.

7. In thiệp cưới (1-2 tháng trước ngày cưới)

8. Tìm dịch vụ mâm quả, xe hoa và trang trí nhà cửa ngày rước dâu (cổng hoa, xe hoa, v.v) (tốt nhất 1 tháng trước ngày cưới)

9. Tìm hiểu nơi sẽ đi trăng mật (1-2 tháng trước ngày cưới)

10. Mời cưới (3 tuần trước khi cưới)

11. Lên nhà hàng chốt lại số bàn tiệc và những điều khoản trong hợp đồng (3 tuần trước khi cưới).

12. Mua sắm thêm vật dụng cần thiết cho CD-CR sau ngày cưới (chăn ra gối nệm, áo quần để cô dâu mặc sau khi về nhà chồng…): 1 tháng trước ngày cưới

1. Nhà trai gặp gỡ nhà gái để định ngày cưới.
Bước này giả định khi hai nhà đã đồng ý tổ chức đám cưới cho CD-CR, và hẹn gặp nhau để thống nhất ngày cưới và việc tổ chức tiệc cưới (hai nhà đãi riêng hay đãi chung, chi phí nhà trai chịu hay chia đều v.v.). Hà không đi sâu phần này vì phong tục các vùng miền cũng khác nhau.

2. Lên ngân sách chi phí cưới
Lên ngân sách cưới sẽ giúp CD-CR biết được cần chuẩn bị tối thiểu bao nhiêu tiền cho đám cưới. Thông thường các chi phí tổ chức cưới ở TP HCM sẽ dao động trung bình trong các khoảng sau:

• Bàn tiệc: 2,5-4tr/bàn.

• Chụp hình cưới trọn gói: Khoảng 10tr-18tr.

Bao gồm: chụp album cưới (pre-wedding photography) vàchụp ngày cưới (quay phim + chụp ảnh ngày rước dâu và ngày đãi tiệc nhà hàng), soire cho cô dâu, veston cho chú rể, trang điểm, làm tóc ngày chụp album và ngày cưới v.v.

• Trang trí nhà cửa + cổng hoa + xe hoa rước dâu + mâm quả + thuê áo dâu phụ v.v: 5-10tr.

• May áo dài cho cô dâu (ngày rước dâu): 800k-2tr5/bộ

• Giày dép, quần áo để CD mặc sau khi về nhà chồng: 1tr-2tr

• Trăng mật: 8tr-20tr cho 2 người. Một số CD-CR bỏ qua trăng mật.

Các nhà hàng thường yêu cầu thanh toán 30-50% số tiền trước ngày cưới. Ví dụ muốn đãi tiệc 20 bàn, giá 3 triệu/bàn thì các chị cần chuẩn bị tối thiểu 40% số tiền (khoảng 24 triệu) để thanh toán trước cho nhà hàng. Số còn lại thanh toán trong ngày đãi tiệc (có thể tận dụng ngay số tiền mừng của khách).

Theo Hà, để tổ chức một đám cưới trung bình ở Tp HCM thì CD-CR cần chuẩn bị sẵn khoảng 50 triệu trở lên. Thời gian chuẩn bị càng dài thì sẽ càng nhẹ gánh.

3. Lên danh sách khách mời (sơ lược)
Bước này giúp dự trù số bàn đặt nhà hàng.

Cô dâu và Chú rể lập riêng danh sách khách mời của mình, và cha mẹ hai bên gia đình cũng lập riêng danh sách, sau đó cộng lại.

Nên lập theo nhóm, chẳng hạn “Anh chị em họ”, “Bạn công ty”, “Bạn cấp 3”,… để dễ kiểm soát. Các chị cũng có thể mở Yahoo list, email list hoặc phone book để lập DS dễ dàng hơn.

4. Đặt nhà hàng

Hai gia đình cần nhanh chóng lên sơ lược danh sách khách mời để xác định số lượng bàn tiệc (tương đối). Điều này đặc biệt cần thiết nếu chị nào có ý định mời trên 40 bàn, vì không phải nhà hàng nào cũng có sảnh tiệc đủ rộng. Thông thường tiệc dưới 30 bàn là dễ chọn nhà hàng nhất.

Tốt nhất nên đặt nhà hàng 6 tháng trước ngày cưới. Đặt trễ thì nhiều nhà hàng sẽ hết chỗ. Tuy nhiên ở Tp HCM hiện nay có rất nhiều nhà hàng nên chịu khó thì vẫn có thể tìm được nhà hàng tốt chứ không đến nỗi “thảm họa” đâu ạ.

Vì chủ quan mà 3 tháng rưỡi trước ngày cưới Hà mới tìm đặt nhà hàng, gọi điện cho hơn 20 nhà hàng (trong đó có các nhà hàng Hà thích) đều đã hết sảnh. Chỉ còn lại 7 nhà hàng trong danh sách. Hà và ông xã cố gắng đi xem hết cả 7 nhà hàng. Rất may là đến nhà hàng cuối cùng lại là chỗ mình ưng ý nhất. Chắc nhờ ở hiền gặp lành hihi.

Lập danh sách các nhà hàng kèm số điện thoại (nhờ bác Google). Ghi rõ ưu – nhược điểm của các nhà hàng đó và so sánh với tiêu chuẩn mà các chị ưu tiên nhất (chẳng hạn có chị ưu tiên nhất thương hiệu, chị khác ưu tiên thức ăn ngon, có chị lại ưu tiên vị trí tại trung tâm…)

Gọi điện thoại đến một loạt nhà hàng xem còn chỗ không và hỏi sơ giá cả. Việc này giúp các chị tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Chọn ra những nhà hàng thấy tạm ổn để trực tiếp đến tìm hiểu kĩ hơn.

Khi chọn nhà hàng các chị nên xác định những tiêu chuẩn mà mình mong muốn trước, dựa vào đó mà tham khảo người thân, cũng như xem thêm review trên các diễn đàn (review mới nhất nhé, vì mỗi nhà hàng sẽ dần dần hoàn thiện theo thời gian).

Tiêu chuẩn chọn nhà hàng của Hà là thức ăn ngon, sảnh tiệc sang trọng, giá cả phải chăng, phục vụ tốt, vị trí gần trung tâm thuận lợi cho khách, bãi giữ xe sát ngay nhà hàng và không nhất thiết phải nhiều “sao” lắm.

Theo kinh nghiệm của người thân Hà, các nhà hàng 5 sao có ưu điểm là cách bày trí sang trọng, phục vụ chu đáo nhưng thức ăn thường mang phong cách phương Tây nhiều hơn nên không hợp khẩu vị đa số người Việt lắm. Nhiều khách đi ăn tiệc cưới 5 sao về hay than là “ăn không ngon, ăn không no v.v”. Giá thì tất nhiên không rẻ. Vì vậy nếu chị nào có ý định chọn nhà hàng 5 sao thì nên tìm hiểu và chọn món thật kĩ để tránh để lại ấn tượng “nhà hàng sang mà thức ăn … dở” nhé hihi!

dat-nha-hang

NHỮNG ĐIỀU CẦN NHỚ KHI ĐẶT NHÀ HÀNG
• Về sảnh tiệc: Đừng xem catalog mà cần phải yêu cầu nhân viên dẫn đi xem sảnh trực tiếp. Sảnh càng ít cột càng tốt. Ước lượng thử xem sảnh có chứa được số bàn mình cần không (trừ hao 10% nhé). Ví dụ nếu nhân viên nhà hàng nói sảnh chứa được tối đa 50 bàn thì các chị đặt 40-45 bàn thôi, chứ đặt đủ 50 bàn thì thường rất chật, chắc chắn khi CD-CR và bố mẹ hai đàng đi chào bàn sẽ mệt vô cùng. Cần xem cả phòng thay đồ cho CD và xem cả nhà vệ sinh nữa nhé!

• Hỏi về giá cả: Giá được giữ nguyên đến ngày cưới luôn hay là có thay đổi. Giá đã bao gồm phí nước uống và phí phục vụ hay chưa. Bia phục vụ suốt tiệc hay chỉ trong vòng 2 giờ. Bia nhãn hiệu gì, nếu đổi qua nhãn hiệu khác thì có bù thêm bao nhiêu tiền. Khăn lạnh/ khăn giấy có miễn phí không. Thông thường đặt trên 35 bàn thì nhà hàng sẽ có nhiều ưu đãi.

Hiện nay các nhà hàng thường để mặc định là bia rót sẵn trong bình lớn. Bia này uống không ngon lắm (vì mất ga và có thể pha tạp nhiều loại bia mà khách không biết). Các chị nên chọn bia chai (uống chai nào khui chai đó), vừa sang trọng lại vừa ngon hơn. Tất nhiên có bù thêm tiền nhưng cũng không nhiều đâu ạ (cứ deal với nhà hàng). Mắc nhất là Heineken, rồi đến Tiger, rẻ nhất là 333.

• Hỏi về cách phục vụ:

Mỗi bàn có bao nhiêu nhân viên phục vụ. Tốt nhất là 10 bàn cần 12-13 nhân viên phục vụ mới đủ, vì ngoài người bưng thức ăn thì cũng cần người phục vụ thức uống và lấy cái này cái kia theo yêu cầu của khách.

Nhà hàng có thay chén mới cho khách khi thay món hay không, phục vụ sẽ gắp thức ăn cho khách hay là khách tự gắp. Nếu không yêu cầu rõ từ đầu, một số nhà hàng sẽ tính phí thêm đó ạ.

• Hỏi về món ăn. Thực đơn ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào các món ăn mà các chị chọn. Chẳng hạn tại nhà hàng mà Hà đặt, một số khách từng dự đám cưới ở đây chê là món ăn dở, nhưng đến đám cưới của Hà thì nhiều khách bảo là món ăn ngon. Khác biệt là ở chỗ chọn món ăn (bố chồng của Hà từng làm quản lý nhà hàng khách sạn nên biết cách chọn món hợp lý).

Các nhà hàng luôn có mẫu thực đơn gợi ý sẵn, nhưng không nên chọn theo đúng thực đơn của nhà hàng mà có thể hoán đổi món. Nếu không có kinh nghiệm chọn món, hãy hỏi nhân viên tư vấn của nhà hàng xem những món nào nhà hàng làm ngon nhất và những món nào khách thích ăn nhất.

• Hỏi về bàn tiệc: Bàn 10 người hay 12 người. Có bao nhiêu ghế dành cho trẻ em (ghế chân cao có chỗ dựa cho em bé ngồi). Khoảng cách giữa các bàn có đủ rộng để khách đi lại dễ dàng, có thể đặt được bao nhiêu bàn dự phòng, giá bàn dự phòng thế nào, thức ăn bàn dự phòng có khác với bàn chính không. Nếu có khách ăn chay thì món chay tính giá thế nào.

Để biết thực tế, các chị nên đến tầm 17h-17h30, khi đó sảnh tiệc cho 1 đám cưới khác đã được bày sẵn, chỉ việc yêu cầu nhân viên lễ tân dẫn lên xem. Nếu đến sau 18h30 thì chủ tiệc sẽ không cho các chị vào xem vì họ bắt đầu đón khách.

Nếu khách của các chị có khoảng 10-12 người ăn chay thì nên đặt hẳn 1 bàn chay. Nếu chỉ có 1 vài khách ăn chay thì có thể yêu cầu thực đơn cho khách lẻ (thường chỉ có 3 món, nhưng giá tính bằng với thực đơn 6 món). Nên hỏi rõ nhà hàng có thực đơn cho người ăn chay không nhé!

• Hỏi về cách trang trí và các dịch vụ khác: Nơ ghế màu gì, có thay đổi được không. Bàn của người nhà hoặc người lớn tuổi nên để nơ ghế khác màu (đậm hơn) với bàn của khách để dễ phân biệt. Tháp ly sâm banh, bánh kem, trang trí sân khấu, thùng đựng tiền mừng, sổ kí tên, cổng hoa đón khách, hoa bàn lễ tân v.v. nhà hàng có tính phí hay không, phí như thế nào. Các chị nên bảo họ cho mình xem trước để cần gì thì điều chỉnh lại.

Hiện nay có nhiều ý tưởng trang trí rất phong phú cho tiệc cưới như sổ kí tên in dấu vân tay, thùng đựng tiền mừng với hình dáng ngộ nghĩnh, bày tranh ảnh CD-CR trên bàn lễ tân, in backdrop hình CD-CR trên sân khấu, chú hề thổi bong bóng cho trẻ em v.v. Thuê chú hề thổi bong bóng thì các chị phải đặt sớm, chứ trễ là không còn.

Nếu muốn mang dịch vụ khác từ bên ngoài vào(chẳng hạn trang trí, âm thanh ánh sáng) thì hãy hỏi nhà hàng có đồng ý không, và tính phí như thế nào nhé.

• Hỏi về những nghi thức đón CD-CR, về MC, nhạc cưới:Nhà hàng sẽ cho xem các clip mẫu để các chị chọn. Có thể yêu cầu MC là nam hay nữ, giọng bắc hay giọng nam, nội dung cụ thể cần MC thể hiện, nhạc nền lúc CD-CR lên sân khấu. Ban nhạc sẽ chơi nhạc không lời hay để ca sĩ hát, có cho khách lên đăng ký hát hay không v.v.

• Hỏi về các chính sách ưu đãi: Như Hà nói ở trên, đặt càng nhiều bàn thì càng dễ được ưu đãi như giảm giá bia, miễn phí ban nhạc, ca sĩ, pháo kim tuyến, miễn phí xe hơi đưa rước v.v.

SONY DSC

Ngoài ra, hiện nay nhiều nhà hàng có liên kết với các trung tâm chụp ảnh cưới, đồ trang sức hoặc du lịch để tặng voucher giảm giá cho khách đặt tiệc cưới. Nếu không lấy voucher, các chị thử thương lượng để nhà hàng ưu đãi dịch vụ khác. Chẳng hạn Hà được tặng voucher 9 triệu (chụp hình cưới + mua nữ trang), nhưng vì không cần nên Hà đề nghị nhà hàng đổi lấy cổng hoa tươi trang trí tiệc (giá trị thấp hơn) và họ đồng ý.

Quan trọng: Luôn yêu cầu ghi rõ ràng tất cả những gì mà hai bên thống nhất vào hợp đồng, càng chi tiết càng tốt nhé. Khi có phát sinh thêm đề xuất gì nữa thì cũng yêu cầu phía nhà hàng ghi bổ sung vào hợp đồng luôn. Đừng sợ mất công hay phật lòng mà bỏ qua bước này.

Các nhà hàng nhận vô số tiệc cưới, “hứa hẹn” với cả trăm khách nên nếu không ghi vào hợp đồng, 100% là họ sẽ thiếu sót. Chưa kể chính bản thân các chị cũng sẽ quên vì vài tháng sau tiệc cưới mới diễn ra. Khi đó những gì đã được ghi trong bản hợp đồng sẽ vô cùng có ích đấy ạ.

5 & 6. Chụp ảnh cưới
Bước 5 và 6 các chị xem bài “Chụp hình cưới và chuẩn bị trang phục cưới“.

7. In thiệp cưới
Theo ý Hà thì các chị đừng nên dành quá nhiều thời gian và công sức cho việc lựa chọn thiệp cưới ạ. Ban đầu Hà cũng đau đầu vì vụ thiệp cưới lắm, không biết tìm chỗ nào giá tốt mà thiệp lại phải đẹp và độc đáo. Tuy nhiên sau đó Hà và ông xã bình tĩnh nghĩ lại:

– Thiệp cưới khi phát đi rồi thì mình cũng là người nhận lại (bao thiệp).

– Hà đã từng nhận rất nhiều thiệp cưới, có những thiệp rất đẹp nhưng thật lòng Hà không hề nhớ của ai. Cho dù thiệp của các chị thật đẹp thì 10 người chắc cũng chỉ 1 người nhớ mà thôi. Cái mà mọi người nhớ nhất là tiệc cưới có vui hay không, nhà hàng đẹp không và món ăn có ngon không.

– Thiệp đẹp không đảm bảo là khách sẽ đến dự tiệc cưới của mình. Quan trọng nhất là mối quan hệ và cách mình mời khách, chứ tấm thiệp chỉ đóng vai trò phụ.

Do đó vấn đề thiệp cưới Hà thấy nhẹ đi rất nhiều, không phải chịu áp lực là phải tìm được chỗ in thiệp thật độc và đẹp nữa mà chỉ cần thiệp lịch sự, chất lượng in tốt là được.

Sau đó được biết chỗ nhà hàng Hà đặt tiệc có hỗ trợ dịch vụ in thiệp với giá ưu đãi cho khách nên Hà chọn luôn. Họ có sẵn catalogue với hơn 500 mẫu thiệp. Ngoài ra, các mẫu thiệp của nhà hàng đều có in sẵn bản đồ đường đi (không sợ họ quên), và địa chỉ thì chắc chắn chính xác. Với Hà thế là đủ.

Khi đặt thiệp các chị nên lưu ý:

– Nên chọn kiểu dáng đơn giản, nhã nhặn, giá trong tầm 6-7k/bộ là được rồi ạ.

– Giấy thiệp nên là loại không mùi. Nếu là loại thiệp thơm thì sẽ có một số người dị ứng với mùi của thiệp.

– Mọi người thường bỏ tiền mừng vào bao thiệp để mang theo. Vì vậy nên chọn thiệp chữ nhật để khách tiện bỏ vào túi hoặc ví.

– Nên đặt thiệp dư 10% so với số lượng dự kiến, vì có thể mình ghi sai, hoặc sẽ có khách phát sinh. Ngoài ra, nếu sau này yêu cầu in thêm thì giá sẽ mắc gấp đôi gấp ba. Thà dư còn hơn là thiếu.

– Chú ý những trường hợp 2 vợ chồng (2 khách) nhưng chỉ mời 1 thiệp, hoặc cả gia đình nhưng chỉ 1 thiệp để tính số thiệp cho đúng.

– Cần kiểm tra nội dung thiệp thật kĩ trước khi cho in (tên CD-CR, song thân hai họ, ngày giờ đãi tiệc, địa chỉ nhà hàng, tên sảnh tiệc v.v). Tưởng đơn giản vậy chứ lúc mệt mỏi thì rất dễ bị sai.

– Cần phải đến xem thiệp tận mắt để biết rõ màu sắc và chất liệu chứ đừng xem qua hình chụp (ảo lắm ạ).

– Nếu có những yêu cầu đặc biệt thì các chị phải lưu ý nhà in thật kĩ (ví dụ in bản đồ đường đi, hoặc in tên CD-CR ngoài bìa thiệp), vì thường họ chỉ làm theo quán tính nên khả năng họ … quên những yêu cầu của mình là khá cao nếu không nhắc kĩ.

– Yêu cầu họ ghi cam kết là thiệp in ra phải có chất lượng như thiệp mẫu, không thì hoàn tiền lại.

– Thời gian lấy thiệp: chỉ nên 4-7 ngày. Nếu chỗ nào bắt đợi lâu hơn thì nhiều khả năng là họ sẽ trễ hẹn đấy ạ (hoặc là họ quá đông khách, hoặc là họ chờ có nhiều người đặt rồi mới in 1 lần). Tốt nhất là tìm chỗ khác đừng lăn tăn gì cả.

– Đôi khi bao thiệp có giá cao hơn cả thiệp bên trong, vì vậy cần xem kĩ giá thiệp là giá đã có bao thiệp hay chưa nhé.

– Khi nhận thiệp: nên kiểm tra thật kĩ nội dung in có sai sót không, sau đó mới cần kiểm tra số lượng.

thiep-cuoi

8. Dịch vụ Mâm quả và cổng hoa cho ngày rước dâu
Ở Tp HCM, các chị ra khu vực Nguyễn Đình Chiểu Q3 (đoạn giao với Lý Thái Tổ) có rất nhiều cửa hàng làm dịch vụ trọn gói mâm quả + cổng hoa + xe hoa. Một số studio chụp hình cưới cũng có cả dịch vụ Mâm quả và cổng hoa.

Hà thấy các công ty hoặc cửa hàng dịch vụ mâm quả đều rất dở khâu tư vấn. Vì cả đời mới làm đám cưới 1 lần nên hầu hết khách hàng đều không biết rõ mình cần chuẩn bị gì cho ngày rước dâu (Hà cũng vậy). Thế mà nhân viên ở các dịch vụ mâm quả chỉ biết quăng cho khách bảng báo giá hoặc cả đống album cho khách tự đọc, tự chọn. Có chỗ còn không có cả bảng báo giá.

Thường khi đó khách sẽ tự tìm cách tháo lui “để về nhà tìm hiểu thêm rồi liên hệ sau”. Hà khẳng định 99% khách sẽ không bao giờ quay lại, mà sẽ đi đến cửa hàng khác. Bản thân Hà và ông xã đi đến 3 chỗ dịch vụ thì mới nắm được sơ sơ là cần chuẩn bị những gì, mâm 6 quả khác 8 quả thế nào, bàn thờ gia tiên cần trang trí những gì v.v. Và sau đó kí hợp đồng với chỗ thứ 4.

Ở khu vực Nguyễn Đình Chiểu, các chị nên lướt qua 1 vòng thấy chỗ nào có cổng hoa đẹp thì ghé vào xem và hỏi giá cả các dịch vụ khác luôn, xong lại qua cửa hàng khác hỏi giá. Nhiều khi 2 cửa hàng sát nhau nhưng giá lại chênh lệch nhiều đấy ạ. Tốt nhất các chị nên đi ít nhất 3 chỗ rồi hãy quyết định.

Nếu chị nào nhà không phải nội thành HCM thì nên thuê dịch vụ ở gần nhà, giá sẽ rẻ hơn nhiều. Chẳng hạn Hà thuê bàn ghế và bộ ly để tiếp khách từ 1 cửa hàng gần nhà (Hóc Môn) thì giá chỉ bằng 1/5 so với giá thuê ở quận 3, mà lại không phải chịu tiền vận chuyển.

Các chị có thể nhờ bác Google giúp vì bác í cái gì cũng biết! :)

Các cửa hàng dịch vụ cưới thường kiêm luôn cả 3 dịch vụ dưới đây:

8.1 Mâm quả
Bộ mâm quả do phía nhà trai chuẩn bị.

Ở TP HCM, Hà thấy bộ mâm quả cưới thường gồm 6 quả và 1 khay, cụ thể như sau:

• 1 quả trầu cau (buồng cau 60 quả, 80 quả hoặc 100 quả tùy yêu cầu + lá trầu)

• 1 quả trà (6 hộp trà)

• 1 quả rượu (6 chai rượu nếp, vang hoặc rượu tây tùy gia đình)

** Có người gộp quả trà và quả rượu chung thành 1 quả (chỉ còn 2 cặp trà + 1 cặp rượu + 1 cặp đèn). Lúc này cần thêm 1 quả nữa cho đủ 6 quả, ví dụ quả heo quay, bánh kem, bánh pía hoặc bánh cốm.

• 1 quả bánh phu thê (thường là 105 cái, xếp hình ngôi sao)

• 1 quả trái cây (ngũ quả, nếu có nho thì mắc hơn một chút)

• 1 quả xôi gà (xôi 5 tim hoặc 6 tim + 1 gà ta luộc)

• 1 khay rượu. Rượu là rượu trắng (rượu nếp), bình đựng rượu và 2 cái ly (chung)

mam-ngu-qua

Có một số gia đình chọn đến 8 quả (thêm quả heo quay, bánh pía, bánh cốm hoặc bánh kem v.v). Dù 6 hay 8 quả thì luôn phải có trầu cau, trà, rượu, ngũ quả và bánh phu thê. Ngoài ra, tùy theo yêu cầu của nhà gái hoặc phong tục vùng miền mà có thêm 1 vài quả khác với những gì Hà đã liệt kê.

Nếu thiếu người bê mâm quả, các chị cũng có thể thuê được với giá 80-150k/người (tùy đi xa hay gần).

8.2. Cổng hoa và trang trí nhà cửa

CD-CR còn cần trang trí nhà cửa chuẩn bị cho lễ rước dâu, trong đó quan trọng nhất là bàn thờ gia tiên. Bàn thờ gia tiên cần có 1 bộ lư hương và cặp chân đèn (chị nào theo Công giáo thì Hà không rõ ạ). Nếu nhà không có sẵn thì có thể thuê bên ngoài chứ không có gì phải lo lắng.

Ngoài ra, các chị cũng cần thuê thêm:

• Cặp trái cây rồng phụng để trang trí cho bàn thờ gia tiên đẹp hơn (1 rồng và 1 phụng được tạo hình từ các loại trái cây củ quả rất nghệ thuật). Có nhiều mẫu để các chị lựa chọn như đầu cao, đầu thấp… Nếu bàn thờ ở nhà hơi nhỏ thì các chị không cần thuê rồng phụng đâu nhé. Giá 700k-900k/cặp (xem hình).

ban-tho-gia-tien

• Cổng hoa. Cổng hoa giả chỉ khoảng 400-600k/cổng, còn cổng hoa tươi thì 4-6 triệu.

• Bàn + ghế để tiếp hai họ, gồm cả khăn trải bàn

• Bộ chữ trang trí tên cô dâu + chú rể

• Bộ tách trà để tiếp khách

• Voan trang trí trần nhà (có thể chọn voan vải hoặc giấy)

• Voan trang trí cầu thang (nếu nhà có cầu thang)

• Đồng phục cho đội bưng mâm quả (đặc biệt là cho đội nữ nhà gái, ví dụ áo dài khăn đống)

8.3 Xe hoa + xe đưa rước người nhà hai họ
Tùy theo đời xe và thương hiệu xe mà giá cả sẽ khác nhau. Trung bình 1 chiếc Lexus, BMW hay Mecedes có giá từ 3-4.5 triệu cho 4 giờ rước dâu. Đời càng mới giá càng cao. Nếu chị nào có thể liên hệ trực tiếp với chủ xe thì giá thuê rẻ hơn khoảng 1 triệu so với thuê qua dịch vụ (vì chủ xe phải trả cho dịch vụ khoảng 1 triệu/lần thuê). Các chị thử hỏi giá của những công ty chuyên cho thuê xe du lịch, biết đâu sẽ được giá rẻ.

9. Tìm hiểu trăng mật
Có thể trước đây các chị và bạn trai đã từng đi du lịch với nhau rồi, nhưng đi trăng mật chắc chắn cảm giác sẽ khác xa vì lúc này 2 người vừa chính thức là vợ chồng. Nếu không phải vì những lí do bất khả kháng thì các chị rất nên đi trăng mật ngay sau đám cưới. Để lâu sẽ “nguội” hết đấy ạ.

Ban đầu ông xã của Hà định dời lại qua Tết đi luôn (kết hợp nghỉ Tết). Sau đó nhờ sự “kiên trì” của Hà mà ông xã đồng ý đi sau ngày cưới. Bọn Hà đi Phú Quốc. Đó quả thật là chuyến đi không thể nào quên.

À, các chị nên xếp lịch trăng mật sau ngày cưới 1 đến 2 ngày nhé, vì cần thời gian nghỉ lấy sức và chuẩn bị hành lý nữa. Nếu không để thời gian nghỉ ngơi thì sẽ không tận hưởng được trọn vẹn chuyến đi đặc biệt này đâu.

kinh-nghiem-du-lich-phu-quoc

10. Gửi thiệp mời
Đây là việc cực kì quan trọng nhưng đôi khi lại không được quan tâm đúng mức. Cũng có thể là lúc này CD-CR đã khá mệt mỏi vì vô số việc, nhưng nếu lơ là việc gửi thiệp thì có thể mọi chuẩn bị trước đây sẽ mất ý nghĩa.

• Đám cưới thành công hay không phụ thuộc nhiều vào bước mời khách. “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, nếu lời mời không “đủ nặng” thì nhiều khả năng CD-CR và người nhà sẽ “được” thưởng thức lại các món mà mình đãi tiệc.

• Nên mời sớm nhất là 3 tuần và chậm nhất là 1 tuần trước khi cưới. Nếu mời quá sớm thì khách dễ quên, còn mời trễ quá thì khách có cảm giác mình được mời để trám chỗ.

• Nên gọi điện thoại báo hỉ và mời anh em họ hàng trước tiên. Nhiều khi CD-CR vì chủ quan nghĩ rằng họ hàng thì trước sau gì cũng biết, cuối cùng bận rộn quá lại quên mất hoặc báo tin trễ quá thì không hay tí nào.

• Thiệp mời nên được viết cẩn thận và trang trọng. Hà và ông xã đã nhận nhiều thiệp cưới viết khá là cẩu thả. Cho dù mình có đi nhưng cũng không vui trong lòng.

• Một lỗi thường gặp nhất mà Hà thấy là mọi người hay viết “Kính mời: Trung + …”. Dấu “+” thể hiện sự thiếu tôn trọng người được mời. Nên viết “Trung và Bạn gái” hoặc “Trung và Bạn”, sẽ lịch sự hơn nhiều.

• Nếu quá bận rộn hoặc không thể gặp đưa thiệp được thì có thể gọi điện để mời, sau đó kèm tin nhắn ghi rõ thời gian + địa điểm đãi tiệc. Nếu chỉ nhắn tin mà không gọi điện thì ít khả năng khách đi dự lắm.

Theo Hà, khi đi dự tiệc cưới thì khách đã phải bỏ ra ít nhất 3 giờ đồng hồ và 500 nghìn đồng (bằng thu nhập 1-2 ngày làm việc), chưa kể chị em còn phải chuẩn bị áo váy giày dép nữa. Vậy chẳng lẽ mình không thể bỏ ra 15 phút để đến đưa thiệp, hoặc 2 phút để gọi điện thoại mời hay sao?

B. THUÊ WEDDING PLANNER
Wedding planner là người giúp CD-CR lên kế hoạch cưới, đề xuất ý tưởng cho buổi tiệc và chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho tiệc cưới của CD-CR từ tư vấn chọn nhà hàng, nơi chụp ảnh cưới, phong cách album, thợ chụp ảnh, áo cưới, sắp xếp bàn tiệc đến trang trí nhà cửa v.v.

Qua bàn tay của wedding planer thì tiệc cưới của các chị sẽ trở nên rất đặc biệt, độc đáo, lung linh và mang một dấu ấn riêng. CD-CR sẽ tiết kiệm được thời gian và công sức mà lại có được một đám cưới đẹp như mơ.

Business woman is explaining work to her co-workers in the class room

Vậy tại sao chỉ có ít CD-CR chọn wedding planner cho đám cưới của mình? Bởi vì các chị cần phải cân nhắc các yếu tố sau:

• Giá cả: Thông thường chi phí chuẩn bị cho 1 đám cưới ở HCM đã là trên 50 triệu. Để thuê WP, các chị phải chấp nhận “bỏ thêm” tầm 20 triệu trở lên. Với những đám cưới “độc” thì con số dành cho WP lên đến trăm triệu là bình thường.

• Ở VN, ý kiến của người lớn là quan trọng, đôi khi rất khác với mong muốn của CD-CR. Vì vậy không phải gia đình nào cũng chấp nhận việc để cho một nhân vật bên ngoài (là WP) làm “đạo diễn” cho đám cưới của con mình.

• Nếu tổ chức đám cưới tại nhiều nơi (ví dụ tiệc cho khách của nhà trai riêng, nhà gái riêng) thì chi phí cho WP lại càng tốn kém.

• Hiện nay, các nhà hàng và studio chụp hình cưới cũng có kèm các dịch vụ tổ chức tiệc khá tốt. Ví dụ nhà hàng có sẵn DV trang trí bàn tiệc, nhạc khai tiệc, bàn đón khách, ban nhạc v.v. Còn dịch vụ chụp hình cưới đã kiêm luôn việc quay phim ngày rước dâu, trang điểm cho cô dâu ngày cưới v.v. Vì thế không nhất thiết CD- CR phải cần đến bàn tay của WP.

Nếu những lí do trên không phải là rào cản đối với các chị thì WP là sự lựa chọn hợp lí. Các chị có thể tìm thông tin về các WP uy tín trên các diễn đàn như WTT hoặc LCM.

Chúc các chị có những ngày chuẩn bị thật đáng nhớ và một đám cưới trọn vẹn.

<< Dịch vụ >>
 
 
 
 
 
Công ty tổ chức sự kiện Vinh Nghệ An
Địa chỉ: Thành phố Vinh, Nghệ An
Điện thoại: 0915.050.067
Email: [email protected]
Website: http://saonghean.com
Tin tức
  • Giải chạy Cộng đồng Doanh nhân VEC mở rộng 2023
  • Danh sách khách sạn nhà hàng tại TP Vinh Nghệ An
  • Top 7 Quán tổ chức sinh nhật tại Vinh tuyệt vời nhất
  • Top 10 địa điểm tổ chức sinh nhật ở TP Vinh Nghệ An
  • TP Vinh: Rực rỡ đường hoa nghệ thuật chào đón Xuân Nhâm Dần
  • Nữ sinh 18 tuổi giành danh hiệu Người đẹp Lễ hội Làng Vạc nă
  • Hội nghị xúc tiến đầu tư Nghệ An 2019
  • Công ty tổ chức sự kiện tại Hà Tĩnh
  • Chat hỗ trợ
    Chat ngay

    0915050067