Một vài thương hiệu hàng xa xỉ vẫn sẵn sàng bỏ hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu đôla tổ chức sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh bất chấp bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.
Đầu tháng 6, đêm kỷ niệm 125 năm thương hiệu Mercedes tại Việt Nam được tổ chức và dàn dựng hết sức hoành tráng với sự tham dự của rất nhiều ngôi sao ca nhạc, người mẫu, MC, diễn viên nổi tiếng…. Buổi lễ được đồn đại có chi phí lên tới hơn 2 triệu đôla. Từ chối tiết lộ về chi phí chính thức của buổi lễ nhưng ông Udo Loersch, Tổng giám đốc Mercedes Việt Nam cho biết, công ty muốn tạo ra một sự kiện gây tiếng vang lớn trong ngành ôtô.
Với sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng, lễ kỷ niệm 125 năm thương hiệu Mercedes tại Việt Nam được đồn đại có chi phí hơn 2 triệu đô. Ảnh: Hoàng Hà
Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo một công ty truyền thông có tiếng về tổ chức sự kiện tại TP HCM cho biết, xét về quy mô và mức độ đầu tư thì đêm kỷ niệm 125 năm thương hiệu Mercedes tại Việt Nam thuộc diện hàng đầu. Tuy nhiên, tổng chi phí cho sự kiện này cũng chưa đến nửa triệu đôla Mỹ và không thể đạt tới con số 2 triệu đôla như đồn đại. Vị này cho biết, chỉ với các sự kiện mời ngôi sao, ban nhạc, thuê âm thanh, ánh sáng từ nước ngoài vào Việt Nam thì chi phí mới lên tới triệu đô.
Tuy nhiên, chuyên gia truyền thông này cho biết, trong số các sự kiện có sự tham gia của người nổi tiếng ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Mercedes là hãng chịu chi tiền lớn nhất. "Lễ kỷ niệm của Mercedes được đồn đại có chi phí lên tới hàng triệu đô là bởi những hình ảnh hào nhoáng và xa xỉ mà các ngôi sao, cùng các hiệu ứng về âm thanh, ánh sáng trong buổi lễ tạo ra", chuyên gia này chia sẻ.
Giám đốc một công ty truyền thông ở Hà Nội cung cấp dịch vụ cho sự kiện của Mercedes cho biết, giữa thời khủng hoảng, kinh tế khó khăn, các hãng đều cắt giảm rất mạnh chi phí quảng cáo, truyền thông thì việc tổ chức một sự kiện xa hoa và tốn rất nhiều tiền như Mercedes gây được sự chú ý rất lớn của công chúng. Tuy nhiên, hãng tổ chức các sự kiện tương tự đồng loạt trên toàn cầu chứ không phải dành riêng cho thị trường Việt Nam.
Một thương hiệu xa xỉ khác cũng đổ rất nhiều tiền để tổ chức sự kiện quảng bá hình ảnh là Moet Henessy. Đêm nhạc H-Artistry với sự có mặt của David Cook và Alexandra Burke, quán quân từ hai cuộc thi âm nhạc American Idol (Mỹ) và X-Factor (Anh), cùng Thanh Bùi (Top 8 Australia Idol) là một sự kiện khủng hiếm hoi kể từ đầu năm do một thương hiệu đứng ra tổ chức và độc quyền tài trợ. Khi được hỏi về chi phí cho sự kiện, đại diện của Moet Henessy từ chối tiết lộ.
Sự có mặt của 3 Idol Mỹ, Anh và Australia cùng ban nhạc, vũ công, âm thanh từ nước ngoài khiến H-Artistry có chi phí lên tới triệu đô. Ảnh: Hoàng Hà
Tuy nhiên, lãnh đạo một công ty truyền thông có tiếng tại TP HCM từng tổ chức các sự kiện tương tự cho biết, chi phí cho H-Artistry chắc chắn lên trên đến triệu đô, bởi riêng chi phí tổ chức tại Việt Nam đã vào khoảng 400.000-500.000 đôla. Chi phí và việc mời các nghệ sĩ nước ngoài do bên Moet Henessy đảm nhận chứ các công ty trong nước chưa thực hiện được.
Ông này cũng cho biết, với những thương hiệu phải quảng cáo thường xuyên, việc tổ chức sự kiện lên tới cả triệu đô trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay là không tưởng. “Hòa nhạc H-Artistry được tổ chức bởi họ không được phép quảng cáo và sự kiện này là một cơ hội hiếm hoi để thương hiệu đồ uống được xuất hiện một cách gián tiếp”, ông này nhận định.
Một đại diện của Moet Henessy tại Việt Nam cho biết, đêm nhạc H-Artistry là một sự kiện được hãng tổ chức tại nhiều nước trên thế giới và trong buổi biểu diễn, hãng không quảng cáo cho thương hiệu Henessy.
Đánh giá hiệu quả của việc đầu tư khoản tiền lớn tổ chức những sự kiện đình đám, ông Udo Loersch, Tổng giám đốc Mercedes Việt Nam cho rằng, khách hàng và những người yêu thích thương hiệu Mercedes đều mong đợi nhiều điều không chỉ riêng chiếc xe. Đây là lý do hãng tổ chức các sự kiện có những đặc điểm tương đồng cho thương hiệu xe Mercedes.
Bà Vũ Hoài Thu, Phó giám đốc Công ty truyền thông T&A Ogilvy nhận xét, hiệu quả từ việc tổ chức những sự kiện quảng bá đình đám khó có thể đo đếm trực tiếp về mặt tài chính. “Mục tiêu quan trọng hàng đầu là những khách hàng tiềm năng tham dự thấy được sự tương đồng, kết nối giữa chương trình và đặc tính của thương hiệu tài trợ. Bên cạnh đó, sự kiện phải được nhiều người biết tới, còn hiệu quả về mặt tài chính có thể sẽ đến sau”.
Chuyên gia về truyền thông này bổ sung, nếu như nhắc đến một sự kiện nào đó mà người ta có thể liên tưởng ngay đến thương hiệu đứng ra tài trợ hoặc tổ chức thì chương trình đó có thể coi là thành công và có hiệu quả về mặt quảng bá.
Hoàng Ly